Địa danh - Văn hóa Vinh

Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên địa bàn phường Trường Thi, phía Bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, phía Đông giáp đường Trường Thi, phía Nam giáp đường Trần Phú (QL IA). Được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quần thể quảng trường và tượng đài rộng 11ha, gồm nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đài phun nước tạo cảnh, núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người. Trên 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền đất nước Việt Nam đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhiều nhân vật quốc tế trồng trong những dịp đến viếng thăm.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí trang trọng ở phía Tây-Nam của Quảng trường. Tượng cao 18m, làm bằng chất liệu đá granít Bình Định.

Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước trên con đường di sản miền Trung.

Phượng Hoàng Trung Đô

Xem bài chính về Phượng Hoàng Trung Đô.

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim có ở trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do vua Quang Trung kiểm soát.

Thành cổ Nghệ An

Di tích Hữu môn thành cổ Nghệ An

Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vauban. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412 m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000 m², bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m). Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh thống đốc, phía nam có dinh bố chánh và án sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của thành phố.

Văn Miếu Vinh

Văn Miếu Vinh được xây dựng vào năm 1803 dưới triều vua Gia Long, là một công trình tiêu biểu của đạo học xứ Nghệ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi về Văn miếu Vinh như sau: Văn miếu Vinh ở địa phận xã Yên Dũng, phía đông tỉnh thành, phía tây là đền Khải Thánh. Có diện tích rộng, bằng phẳng, tới 22.000m2. Với vị trí lấy đường tiếp nối đường thiên lý Bắc Nam mà tổ tiên vạch mở từ ngàn xưa làm chỗ đứng thì ta thấy bên phải là Võ Miếu (tức đền Hồng Sơn), bên trái là Văn Miếu: Văn tả, Võ hữu, cùng với Cửa Tiền nhìn ra bến sông Vĩnh và hướng về Nam, phía xa trước mặt là Lam Thành - lỵ sở cũ của trấn Nghệ An, như thế là cân đối cả về vị trí thờ tự và thuận cả về thuật phong thủy. Văn miếu Vinh được bố trí có 3 cửa tam quan đều hướng về phía Nam (phía kinh đô triều Nguyễn). Trên cửa chính môn có tầng lầu đề bốn chữ " Vạn thánh linh từ". Hai bên cửa có đôi câu đối ánh màu sơn son thiếp vàng, toát lên niềm tự hào của dân Nghệ về đạo học: " Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo. Giang sơn đại địa tích Nhân văn"- (Đạo thánh sáng ngời như mặt trời, Mặt Trăng trong vũ trụ, Nhân văn được bồi tụ là do ở sông núi nơi đất này). Phía trên là hạ điện. Giữa là thương điện. Hai bên có nhà tả vu với hữu vu. Sân lộ thiên ở giữa bốn ngôi nhà thâm nghiêm, tĩnh mịch. Xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, vườn cây cảnh và rừng cây.Hiện nay, Văn miếu Vinh chỉ còn là phế tích, nền cũ đã được Công ty In Nghệ An trưng dụng và nhiều nhà dân lấn chiếm, sử dụng. Các đồ tế khí, bia đá được chuyển đến đền Hồng Sơn (Võ Miếu) để tạm cất giữ.

Cồn Mô - Ngã ba Bến Thủy

Tượng đài công nông binh Ngã ba Bến Thủy

Cồn Mô được xây dựng thành tượng đài kỷ niệm cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, với chiều cao 10m, rộng 16.2m. Trên tượng đài khắc biểu tượng búa liềm, mặt trước gắn biểu tượng trống Xô Viết. Trên nền bia còn khắc ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở Cồn Mô.

Khu di tích ngã ba Bến Thủy có diện tích 6.400 m². Qua thời gian và chiến tranh tàn phá, cảnh vật thay đổi, cột điện lịch sử đã không còn nữa. Nhưng tại đây, để ghi lại sự kiện lịch sử anh hùng của nhân dân, tỉnh Nghệ An và chính quyền thành phố Vinh đã xây dựng tượng đài công nông binh để giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh.

Đền thờ Vua Quang Trung

Đền thờ vua Quang Trung - Thành phố Vinh

Đền thờ Vua Quang Trung được xây dựng với ý nghĩa muôn đời ghi nhớ công lao to lớn và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Hoàng Đế Quang Trung, góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đền toạ lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết, cao 92m so với mực nước biển,cách đây 220 năm, ngày 1/10/1788 Vua Quang Trung hạ chiếu cho xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô. Đó được xem là đất tứ linh có 4 chi: Chi hướng về Tây gọi là Long thủ (đầu Rồng), chi hướng phía Đông Nam gọi là Phượng dự (cánh Phượng Hoàng), chi hướng về Đông Bắc gọi là Quy bối (lưng Rùa), chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con Mèo).

Công trình bao gồm các hạng mục chính là Khu Tiền đường có diện tích 180 m², khu Trung đường có diện tích 160 m² và khu Hậu cung có diện tích 60 m², nhà Tả vu, Hữu vu, diện tích mỗi nhà 80 m².

Chùa Cần Linh

Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên tường, huyện Hưng Nguyên. Nay thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh. Chùa thờ Phật Thích Ca - vị tổ của đạo Phật - và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², gồm có các kiến trúc sau: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng.

Bảo tàng - Thư viện

Một số bảo tàng lớn như bảo tàng tổng hợp Nghệ An,bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Quân khu IV và các thư viện như thư viện tỉnh Nghệ An, thư viện Nguyễn Thúc Hào.

Nghệ thuật - Điện ảnh - Báo chí - Truyền hình

Các Trung tâm lớn:

  • Nhà Văn hóa Lao động
  • Cung Lễ hội Vinh
  • Nhà Văn hóa Quân khu 4
  • Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt - Đức
  • Nhà hát Dân ca Nghệ An - Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca Xứ Nghệ (gồm 2 đoàn nghệ thuật: Đoàn kịch hát và Đoàn dân ca)
  • Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An
  • Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV
  • Trung tâm Điện ảnh Bắc Trung Bộ
  • Rạp chiếu phim 12-9 (nay đã xây dựng và quy hoạch lại thành Trung tâm điện ảnh đa chức năng Vinh)
Trung tâm Điện ảnh Đa chức năng, Vinh.
  • Ngay từ năm 1929, Nghệ An (tập trung tại TP Vinh) đã trở thành trung tâm báo chí cách mạng và đến nay Nghệ An vẫn là một trong những trung tâm báo chí lớn với số lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên hơn 600 người, trong đó trên 360 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (đứng thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về số hội viên). Nghệ An là một trong số ít địa phương có báo ngành hoạt động hiệu quả, như báo Công An Nghệ An, Lao động Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Văn Hoá Nghệ An. Nghệ An cũng là địa phương có số cơ quan báo chí trung ương thường trú nhiều, đứng thứ tư trong cả nước sau các thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
  • Truyền hình Nghệ An là một đài truyền hình lớn, được trang bị công nghệ hiện đại, phủ sóng vệ tinh Vinasat. Từ năm 2015 bằng hệ thống truyền hình số mặt đất và vệ tinh TH Nghệ An sẽ gồm 21 kênh do TH Nghệ An sản xuất (NTV1 đến NTV21, trong đó có 6 kênh HD và 15 kênh SD). Từ năm 2020 phát 21 kênh HD và phát song song 21 kênh SD bằng số hóa theo đề án của Chính phủ. Đài TH Vinh, đài truyền hình riêng biệt của TP Vinh cũng đang được lập đề án xây dựng.
  • Nhà thờ Giáo xứ Yên Đại - Giáo phận Vinh: Đây là ngôi nhà thờ Công giáo lớn nhất Việt Nam. Có sức chứa 50.000 người dự lễ, nhà thờ tọa lạc tại xã Nghi Phú -TP Vinh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vinh //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded_VGP/nguyenmi... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Nang-cap-Truong-Cao-d... http://www.baoxaydung.com.vn/PrintPreview.aspx?ID=... http://www.laodong.com.vn/Home/Thanh-pho-Vinh-tro-... http://daihoi11.dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/Ne... http://www.diaoconline.vn/web/tintuc/chinh-sach-ph... http://hlepu.edu.vn/index.php?option=com_content&v... http://hlepu.edu.vn/index.php?option=com_content&v... http://www.moc.gov.vn/Vietnam/NewsEvent/LocalConst...